Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Đơn kiến nghị gửi các cơ qua chức năng về việc tổ chức bầu cử Quốc Hội.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------***------

ĐƠN KIẾN NGHỊ
(V.v tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc Hội)

Kính gửi: QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
       
Tôi là: Nguyễn Văn Thạnh
Sinh ngày: 27-11-1983.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tây An-Tây Sơn-Bình Định.
Nơi cư trú: Trà Sơn-Tây An-Tây Sơn-Bình Định.
Số CMND: 211763975. Cấp ngày 11-2-2015. Nơi cấp: CA Bình Định.
Tôi là người tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIV. Vào ngày 9 tháng 4 năm 2016, tôi được UBMTTQ xã Tây An tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến và nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc Hội (QH) khóa XIV. Từ những điều đã trải qua và quan sát thông tin từ các ứng cử viên khác, tôi xin có những kiến nghị sau:
Hiến pháp hiến định: nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước. Luật pháp qui định công dân đủ 18 tuổi có quyền đi bầu cử, công dân đủ 21 tuổi có quyền đi ứng cử. Đây là điểm son của tinh thần nhà nước của dân.
Tất nhiên, để không bị quá tải số người ứng cử, luật bầu cử hướng dẫn người ứng cử phải lấy phiếu tín nhiệm ở cấp cơ sở. Tôi cho rằng điều này là hợp lý. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay, số công dân di chuyển trong cuộc sống, việc làm là khá lớn. Đây là đối tượng công dân năng động, phát hiện nhiều vấn đề trong cuộc sống. Họ có thể có nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề mà đất nước đang gặp phải. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình thức lấy phiếu tín nhiệm từ nơi cư trú (thường là theo đăng ký hộ khẩu) thì đối tượng này lại không đạt được. Nguyên nhân bỡi lẽ dân cư ở đó không biết nhiều về họ. Kiến nghị QH xem xét áp dụng thêm những giải pháp sàn lọc khoa học khác mà các nước tiên tiến đã làm như: xin chữ ký, đặt cọc tiền,…
Bước lấy phiếu tín nhiệm cử tri nơi cơ sở là một bước vô cùng quan trọng. Nó có quyết định sống còn cho ứng cử viên có được đi tiếp hay không. Theo qui định hiện nay, chỉ cần 55 cử tri là có thể quyết định sự sống còn trên. Tuy nhiên từ trải nghiệm bản thân của tôi cũng như quan sát các ứng viên khác tôi thấy nhiều khi bước này thực hiện chưa thật nghiêm túc và không có chế tài cụ thể để buộc thực hiện nghiêm.
Về số cử tri tham dự hoàn toàn do ban tổ chức quyết định mà ứng viên không có sự tham gia, không giám sát được. Đây có thể tạo ra một số kẽ hở gây thiệt thòi cho ứng viên. Kiến nghị giải pháp: tất cả cử tri được mời phải có chữ ký của ban tổ chức và ứng viên. Những người tham dự phải được kiểm soát chặt để bảo đảm không có cử tri lậu những nơi khác đến. Sự kiểm soát này bên ứng viên phải có quyền tham gia hay chứng kiến thông qua người được ủy quyền và có chữ ký xác nhận vào danh sách này.
Theo qui định hiện nay, tại buổi hội nghị này, ứng viên chỉ được nghe chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi cho rằng qui định như vậy là một hình thức đấu tố. Hình thức này rất dễ bị lũng đoạn với những tố cáo vô căn cứ. Tiếp nữa hình thức này chỉ hướng đến tìm những con người không có lỗi gì trong quá khứ, trong khi quan trọng của một ứng viên là đưa ra các sáng kiến, các giải pháp để giải quyết các vấn đề cuộc sống hiện nay mới là điều cần quan tâm.
Trong hội nghị này, có hiện tượng các cử tri là cán bộ đương chức đương quyền, cử tri có ảnh hưởng,…sau khi phát biểu xong có lời kêu gọi đề nghị/yêu cầu bỏ phiếu/không bỏ phiếu cho ứng viên. Tôi cho rằng, hành vi này nên bị nghiêm cấm vì nó ảnh hưởng đến sự khách quan trong lựa chọn của cử tri.
Về việc bỏ phiếu lấy ý kiến. Tôi cho rằng hiện nay mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu, rất tùy tiện. Có nơi bỏ phiếu bằng cách giơ tay-một hình thức rất dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố, có nơi bỏ phiếu kín nhưng kiểm phiếu cũng kín (chỉ có ban tổ chức biết). Tôi kiến nghị QH nghiên cứu và đưa ra một qui định chặt chẽ là quá trình bỏ phiếu buộc theo cách bỏ phiếu kín và kiểm phiếu công khai. Đây là cách làm khoa học nhất hiện nay.
Nói về quyền của ứng cử viên. Dù rằng, bước này có ảnh hưởng sinh tử đến vận mệnh của ứng cử viên nhưng theo qui định hiện nay họ lại có rất ít quyền. Tôi kiến nghị QH mở rộng thêm cho họ một số quyền như: được phép tiếp xúc cử tri trước đó, được quyền có luật sư trong hội nghị, được quyền tham gia giám sát về danh sách cử tri được mời, danh sách cử tri có mặt, được quyền có đại diện làm việc chụp hình, quay phim buổi hội nghị.
Tôi cho rằng ứng cử, bầu cử là công việc hệ trọng của một quốc gia. Nó liên quan đến vấn đề hiền tài lãnh đạo đất nước và quyền làm chủ của công dân. Do vậy tôi kiến nghị QH xem xét các kiến nghị trên để làm sao quá trình ứng cử, bầu cử trở nên khoa học, chính xác, thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam.
Kính đơn!
Bình Định, ngày 11 tháng 4 năm 2016

NGƯỜI LÀM ĐƠN



      Nguyễn Văn Thạnh

P.s: Đơn trên còn được gửi đến: Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng bầu cử Quốc gia.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét